Cà Phê Vối – Quá trình sinh trưởng và Phát triển

Xuất bản 06 tháng 03 năm 2020.    1759

 

theo TS. Trương Hồng

 Quá trình sinh trưởng và phát triển của quả cà phê vối khá dài (trên dưới 10 tháng), được chia làm 4 giai đoạn. Đối với quả cà phê, chúng vừa sinh trưởng và phát triển, vì chúng vừa tăng kích thước vừa biến đổi trao đổi chất mạnh mẽ. Giữa các giai đoạn đều có sự chuyển đoạn, thay đổi tương quan kích thích sinh trưởng và ức chế trong quả, trong khi với cành lá sinh trưởng vẫn chiếm ưu thế. Tức là cây vẫn tăng trưởng cành lá khi mang quả.

* Giai đoạn ngủ (giai đoạn 1)

 Sau thụ tinh hình thành quả có kích thước nhỏ thường gọi là “đầu đinh”. Lúc này quả rơi vào trạng thái ngủ. Thời gian ngủ của quả cà phê thường kéo dài 6 – 10 tuần phụ thuộc vào lượng nước cây hút được, nhưng ít nhất cũng phải 6 tuần. Ở Tây Nguyên giai đoạn này rơi vào mùa khô (tháng 1 đến tháng 3), nên khả năng tưới và cơn mưa đầu mùa ảnh hưởng rất lớn đến giai đoạn này.

* Giai đoạn tăng về kích thước quả (giai đoạn 2)

Sau giai đoạn 1, nếu đủ nước quả cà phê sẽ bước sang giai đoạn 2: tăng trưởng kích thước quả. Giai đoạn này kéo dài 8 – 10 tuần. Lúc này quả tăng nhanh về kích thước và khối lượng tươi nhưng khối lượng khô tăng không đáng kể. Sự tăng nhanh về kích thước bao gồm kích thước quả và kích thước “vỏ trấu” (phần chứa nhân sau này). Cuối giai đoạn này kích cỡ vỏ trấu ổn định, tức là cỡ hạt đã được định hình. Giai đoạn này có tính quyết định đến kích cỡ nhân, yếu tố quan trọng khi đánh giá chất lượng, phẩm chất nhân sau này.
Đối với Tây Nguyên, giai đoạn 2 này rơi vào đầu và giữa mùa mưa, từ tháng tư đến tháng bảy. Khó khăn hiện nay là đầu mùa mưa số cơn mưa và lượng mưa không ổn định, trong khi lượng nước tưới đã cạn kiệt, vì vậy kích cỡ nhân không ổn định, thường nhân nhỏ không đồng đều, hay rụng quả. Giai đoạn này sự rụng quả tăng lên do sự cạnh tranh nước và chất dinh dưỡng của quả làm hạn chế năng suất.

* Giai đoạn tăng khối lượng chất khô (giai đoạn 3)

Tuần thứ 14 sau khi thụ tinh , hạt cà phê vối mới được hình thành, chủ yếu là nội nhũ là yếu tố quyết định đến khối lượng chất khô sau này. Giai đoạn 3 kéo dài 14 – 16 tuần đây là giai đoạn dài nhất trong thời kỳ mang quả cà phê. Ở Tây Nguyên, giai đoạn này nằm vào giữa và cuối mùa mưa, vì vậy nước cung cấp cho cây là yếu tố không đáng ngại. Kích thước vỏ trấu tăng lên không đáng kể nhưng khối lượng hạt, nhất là khối lượng khô tăng lên chủ yếu vào giai đoạn này.
Năng suất, phẩm chất hạt cà phê phụ thuộc vào giai đoạn 3. Ở giai đoạn này, dinh dưỡng khoáng nhất là kali và phospho được phát huy tác dụng. Sự cạnh tranh về dinh dưỡng và không gian chiếm chỗ của quả cà phê làm tăng tỉ lệ rụng quả.

* Giai đoạn quả chín (giai đoạn 4)

 Sau 36 – 39 tuần từ khi nở hoa, thụ phấn, quả cà phê vối bắt đầu vào giai đoạn chín. Thời kỳ chín của quả kéo dài từ 4 – 5 tuần. Trong giai đoạn chín, vỏ cà phê tăng về kích thước nhưng kích thước hạt (nhân) ít biến đổi, khối lượng hạt có gia tăng. Giai đoạn chín có sự chuyển hóa các chất trong hạt, chất lượng và hương vị cà phê. Giống cà phê chín muộn thường có khối lượng quả và hạt cao hơn giống chín sớm, thuận lợi cho thu hoạch. Sự biến đổi màu sắc, độ cứng vỏ quả xảy ra trong giai đoạn chín.
Ở Tây Nguyên giai đoạn 4 thường rơi vào cuối tháng 10 và tháng 11. Trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển của quả, quả có thể rút các chất đồng hóa từ thân, cành và lá. Vào những năm sai quả hoặc vì lý do nào đó làm cho khả năng quang hợp bị hạn chế thì sự sinh trưởng cành, lá cho năm sau bị ức chế rõ rệt.

 

=> Nắm được quá trình sinh trưởng của quả cà phê vối sẽ là cơ sở khoa học giúp bón phân đạt hiệu quả hơn./.