Kỹ thuật nuôi ghép cá nước ngọt trong ao

Xuất bản 15 tháng 08 năm 2020.    2059

 

Bài viết giới thiệu kỹ thuật nuôi ghép các loại cá nước ngọt trong ao như cá trắm, cá mè, cá chép, cá rô,… nhằm cung cấp kiến thức và mang lại hiệu quả kinh tế cao trong nuôi trồng thủy sản.

nuôi ghép cá nước ngọt trong ao

I.  ĐIỀU KIỆN AO NUÔI

1. Diện tích

Ao nuôi ghép cá thường từ 200m2 trở lên, phù hợp nhất là từ 500- 2.000m2, đọ sâu mức nước từ 1,5- 2m, có lớp bùn đấy từ 10- 25cm. Đất đáy ao là đất thịt pha cát. Ao nằm gần nguồn nước sạch, không bị ô nhiễm hoặc chua phèn, không có mạch nước ngầm độc hại. Mặt ao thông thoáng, bờ ao không bị rò rỉ nước và cao hơn mức nước cao nhất khoảng 0,5m, có cống cấp thoát nước, chủ động tưới tiêu; có nguồn điện và có đăng chắn, cống phải chắc chắn để bảo vệ cá. Ao nên gần nơi ở của gia đình để dễ quản lý, gần đường giao thông để tiện cho vận chuyển cá giống và cá thịt khi thu hoạch.

 

2. Yêu cầu chất lượng ao nuôi

Nước ao có nhiệt độ từ 25- 30 độ C, có màu xanh nõn chuối, độ trong từ 30- 40 cm, pH từ 6,5- 7,5, hàm lượng ôxy hòa tan từ 3- 8 mg/l, hàm lượng sắt tổng cộng không quá 0,2 mg/l, hàm lượng PO4 khoảng 4,5mg/l.

 

3. Chuẩn bị ao nuôi trước khi thả cá giống

– Tu sửa bờ ao, kiểm tra đăng, cống, phát quang bờ.
– Tát cạn ao, dọn sạch bèo, cỏ, vét bớt bùn đáy ao, san phẳng đáy, lấp hết hang, hốc ven bờ.
– Tẩy vôi để diệt cá tạp và mầm bệnh, bằng cách rải đều từ 8- 10kg vôi bột cho 100m2 đáy ao. Nếu vụ trước cá bị bệnh hoặc ao bị chua thì lượng vôi phải tăng lên từ 15- 20kg/100m2.
– Sau khi tẩy vôi, phơi ao khoảng 3 ngày. Bón lót cho ao bằng cách rải đều trong 100m2 khoảng 30- 40 kg phân chuồng ủ kỹ và 40- 50kg lá xanh băm nhỏ dìm ngập trong ao. Dùng trâu bừa đáy ao 1- 2 lượt để phân và lá xanh lẫn vào bùn, đồng thời làm phẳng đáy ao.
– Lọc nước vào ao ngập khoảng 1m, ngâm từ 5- 7 ngày nước ao sẽ có màu xanh nõn chuối, khi đó sẽ thả cá giống. Cần lọc nước bằng đăng, hoặc lưới để loại cá tạp lọt vào ao.

II. ĐỐI TƯỢNG NUÔI

Cá nuôi ghép trong ao phải là những loài có tính ăn khác nhau và sống tầng nước khác nhau để không cạnh tranh và tận dụng thức ăn thừa của nhau, đồng thời hỗ trợ lẫn nhau trong quá trình sinh trưởng, phát triển. Tùy điều kiện ao nuôi và khả năng đầu tư mà chọn một loài làm đối tượng nuôi chính trong ao, cần chú ý đến các loài có khả năng chịu đựng được sự thay đổi bất lợi của môi trường.

1. Đặc điểm một số loài nuôi ghép trong ao


* Cá Trắm cỏ
 (còn gọi là cá trắm trắng)
Sống ở tầng nước giữa, thức ăn chính là cỏ, lá, rau, bèo, cây chuối thái nhỏ… ngoài ra cá cũng ăn các loại ngũ cốc. Trong nuôi cá ao, cứ 40kg cỏ non thì sẽ tăng trọng được 1kg cá trắm cỏ và phân của cá trắm cỏ thải ra sẽ làm tăng trọng 0,5kg cá khác. Cá trắm cỏ nuôi một năm sẽ đạt trọng lượng trung bình 3 kg/con.

 


* Cá Mè trắng
Sống ở tầng nước mặt và tầng nước giữa, thức ăn chủ yếu là sinh vật phù du, trong đó thực vật phù du chiếm 60- 70%, ngoài ra còn ăn các loại bột ngũ cốc. Nuôi 1 năm cá mè trắng có thể đạt 1kg/con.

 


*Cá Mè hoa
Sống tầng nước giữa, ăn sinh vật phù du trong đó động vật phù du là chính, chiếm 60%. Tỷ lệ nuôi ghép cá mè hoa trong ao nước tĩnh không quá 5%. Cá nuôi 1năm, nếu ao giàu dinh dưỡng có thể đạt từ 1-3kg/con.

 


*Cá Chép
Sống ở tầng nước đáy, có khả năng chịu được môi trường khắc nghiệt, ăn động vật đáy là chính. Cá có thể ăn thức ăn đa dạng như ngô, đậu, thóc đã nấu chín, các loại bã đậu, bã rượu và thức ăn công nghiệp. Chép thường nuôi ghép với tỷ lệ 5- 10%. Chép nuôi sau 6 tháng có thể đạt từ 0,3- 0,5kg/con.

 


*Cá Rô phi
Sống tầng nước giữa và nước đáy, là loài ăn tạp, chủ yếu ăn mùn bã hữu cơ, các loại phân trâu, bò, lợn, gà. Cá cũng ăn các loại bèo, tinh bột và thức ăn tổng hợp. Cá đẻ tự nhiên nhiều lần trong ao, trừ mùa lạnh. Do đẻ nhiều lần làm tăng mật độ cá trong ao, ảnh hưởng đến cở cá thương phẩm. Rô phi thích ứng với độ mặn và điều kiện môi trường tốt hơn các loài cá khác. Rô phi đơn tính đực có thể đạt hiệu quả cao từ 0,4- 0,6kg/con sau 5-6 tháng nuôi. Vào mùa đông cần giữ nước ở mức cao hơn 1,5m để giữ ấm cho cá (cá sẽ chết ở nhiệt độ dưới 12 độ C).

 

2. Cơ cấu thành phần và tỷ lệ ghép cá nuôi

Chọn các loài cá có tính ăn các tầng nước khác nhau nuôi ghép trong ao nhằm tận dụng cơ sở thức ăn tự nhiên của vùng nước. Mật độ nuôi trung bình nên từ 2-3 con/m2 (miền núi có thể thấp hơn). Tỷ lệ ghép, thành phần và mật độ nuôi tham khảo ở bảng dưới đây.

Tỷ lệ nuôi cá ghép trong ao (%)

 

Loài cá Trắm cỏ Mè trắng Mè hoa Chép Mrigan Rô hu Rô phi
Trắm cỏ là chính 30 15 5 5 10 20 15
Rô hu là chính 5 15 5 5 10 50 10
Rô phi là chính 5 15 5 5 10 10 50

Cơ cấu thành phần và tỷ lệ ghép cá nuôi trong ao

Loài cá Tỷ lệ ghép (%) Kích cỡ (g/con) Số lượng (con) Ghi chú
Trắm cỏ
Rô hu
Rô phi
Mè trắng
Mrigan
Mè hoa
Chép
30
20
15
15
10
5
5
30
24
18
20
24
25
16
450
300
225
225
150
75
75
– Ao nuôi ghép trắm cỏ là chính.
– Mật độ 2-3 con/m2.
– Diện tích ao 1.000 m2.
Cộng 100 1.500

 

3. Chất lượng và cỡ cá giống

a) Chất lượng cá giống
Cá nên mua tại các trại sản xuất giống có uy tín, đảm bảo cá sạch bệnh, cơ thể khoẻ mạnh, bơi lội hoạt bát, phản xạ nhanh với tiếng động, toàn thân trơn bóng; không rách vây, tróc vẩy, khô mình, mất nhớt,…b) Cỡ cá giống
Cỡ cá giống thả tùy theo loài cá, điều kiện ao nuôi và thời gian nuôi. Đối với ao nhỏ dễ chăm sóc thời gian nuôi dài thì thả giống cỡ nhỏ. Ao rộng, khó chăm sóc, hoặc thời gian nuôi ngắn thì thả giống cỡ lớn.Cỡ cá giống thả nuôi trong ao

 

Loài cá Chiều dài (thân) Số lượng cá
(con/kg)
Trắm cỏ 12 – 15 30 – 37
Rô hu 10 – 12 38 – 55
Mè trắng 10 – 12 50 – 62
Mrigan 10 – 12 40 – 62
Mè hoa 10 – 12 40 – 58
Rô phi 6 – 8 55 – 60
Chép 5 – 7 60 – 80

4. Mùa vụ thả cá giống và xử lý cá gống trước khi thả Nuôi

 

a) Mùa vụ thả cá giống
Có 2 vụ thả cá nuôi: Vụ 1, từ tháng 2 đến tháng 3 (gọi là vụ xuân); vụ 2, từ tháng 8- 9 (gọi là vụ thu). Thích hợp nhất là vụ xuân, vì vụ xuân cá sẽ có nhiều thời gian thuận lợi để sinh trưởng. Thường thả cá gióng lưu và thả đủ số lượng cá giống trong 1- 2 ngày. Cá thả vào lúc sáng sớm, hoặc chiều mát, trước khi thả cần theo dõi dự báo thời tiết; tránh không khí lạnh, gió mùa Đông Bắc, mưa, lũ, bão…

 

b) Xử lý cá giống trước khi thả

Tắm cho cá giống để phòng bệnh: Trước khi thả nên tắm cho cá bằng nước muối ăn (NaCL) nồng độ 3%:
Cách tắm: Dùng thùng, bể dung tích 100- 200 lít chứa nước sạch (có sục khí càng tốt), hòa tan muối trong nước đạt đến nồng độ 3%, dùng vợt bắt cá để tăm từ 10 – 15 phút.
Khi thả cá xuống ao, để đảm bảo an toàn cho cá cần cân bằng nhiệt độ nước trong ao và túi chứa cá giống, nhất là cá vận chuyển đường xa trong mùa hè nhiệt độ cao.
Cách làm: Ngâm túi cá giống xuống ao từ 5- 10 phút; khi thả, mở dây buộc túi, dùng hai tay ấn dìm cửa miệng túi xuống ao để nước từ từ vào túi, khi thấy cá khỏe bơi ngược dòng nước thì thả cá ra ao. Nên thả cá ở đầu gió để cá phân tán nhanh ra ao.

III. QUẢN LÝ, CHĂM SÓC CÁ TRONG QUÁ TRÌNH NUÔI

1. Thức ăn và chế độ cho cá ăn

Tùy theo cơ cấu đàn nuôi ghép trong ao và loài nuôi chính để cung cấp thức ăn cho cá đảm bảo phù hợp cho các loài, đầy đủ dinh dưỡng và chi phí hợp lý. Nếu dùng thức ăn xanh thì băm nhỏ và cho vào khung cho cá ăn. Ngoài ra còn dùng thức ăn bổ sung tự chế gồm 70 – 80% bột ngũ cốc và 20 – 30% bột cá, tôm, cua ốc, nhái, giun…trộn đều các thành phần này và nấu chín, đùn thành viên dạng sợi hoặc nắm rồi bỏ vào sàn cho cá ăn. Nếu dùng thức ăn công nghiệp thì rải đề khắp mặt ao cho cá. Định kỳ 2 tuần 1 lần bón phân chuồng ủ kỹ, phân xanh để duy trì thức ăn tự nhiên cho cá; lượng bón như bón để gây màu nước.

 

2. Quản lý ao nuôi

Hàng ngày thăm ao 2 lần vào sáng sớm và chiều mát; nếu có các hiện tượng khác thường, như: cá nổi đầu, nước ao bạc màu, … thì đấy là biểu hiện cá đói, no, bị bệnh, nước ao thiếu oxy… từ đó điều chỉnh việc cho ăn, chăm sóc và xử lý các tình huống ảnh hưởng xấu đến cá.

Cụ thể:

  • Nếu trên sàn còn thừa thức ăn là cá no, thì giảm lượng thức ăn
  • Trên sàn hết thức ăn, nước ao đục ngầu là cá đói, phải tăng thức ăn
  • Nước ao có màu lá xanh chuối non là ao giàu dinh dưỡng
  • Cá nổi đầu bình thường: Vào buổi sáng, nổi từng đàn, bơi lội thoải mái, phản ứng nhanh với tiếng động. Khi mặt trời lên cá lặn hết.
  • Cá nổi đầu do thiếu oxy hoặc bị bệnh: Cá mệt mỏi, bơi không theo đàn, ven bờ có tôm tép chết dạt, mặt trời lên cá vẫn chưa lặn… khi đó cần ngừng bón phân, ngừng cho ăn, bơm thay nước mới (khoảng 20- 30% nước trong ao), vớt hết cỏ rác, xác lá, rau, bèo…, dùng lưới không có chì kéo dồn cá về khu vực có nước mới đang chảy vào ao.
  • Kiểm tra cá mỗi tháng 1 lần để biết sức lớn, cũng như bệnh tật của cá (cân đo mỗi loại khoảng 25 con) qua đó điều chỉnh việc cho ăn.
  • Giữ mức nước ao từ 1,5- 2m để chống nóng và chống rét. Có thể thả bèo, rau muống rộng 1- 2m2 ngăn ô quanh bờ ao.
  • Để ổn định mức nước trong ao, sau 3- 4 ngày phải thêm nước mới (khoảng 20- 30cm). Những ao có điều kiện nên chủ động thay nước mỗi tháng 1 lần; có thể rút 1/3 lượng nước cũ ở đáy ao trước khi thêm nước mới.
  • Kiểm tra ao khi có mưa, bão.
  • Chống các loại địch hại bắt cá như: Rái cá, rắn nước, chim bắt cá,…
  • Phòng tránh các hình thức bắt trộm cá.

 

IV. BIỆN PHÁP PHÒNG TRỊ BỆNH CHO CÁ

1. Phòng bệnh

Cá nuôi thường mắc nhiều bệnh. Mỗi khi có cá bị bệnh không thể chữa từng con mà phải xử lý cả ao hay cả đàn cá, nên khó tính chính xác lượng thuốc chữa bệnh, gây tốn kém cho người nuôi. Do đó phải thực hiện việc phòng ngừa là chính. Các biện pháp như sau:

 

a) Cải tạo và cải thiện môi trường nuôi

 

Sau mỗi chu kỳ nuôi; tháo cạn ao, vét bùn, phơi đáy, khử trùng bằng vôi nông nghiệp với liều lượng 8- 10kg/100m2 đáy ao. Trong khi nuôi, cứ 15 ngày thì bón 1- 2kg vôi/100m3 nước để cải thiện môi trường ao nuôi. Sử dụng thuốc diệt mầm bệnh cho cá. Nếu có điều kiện thì tắm cho cá trước khi thả.

 

b) Kiểm tra cá trước khi thả

Cá thả không có dấu hiệu bệnh lý; chọn cá đúng chủng loại, kích cỡ và tỷ lệ ghép.

 

c) Quản lý kỹ thuật nuôi

ước trong ao phải đảm bảo các chỉ tiêu thủy lý, thủy hóa. Mật độ cá tùy thuộc vào hình thức nuôi và khả năng đầu tư của mỗi hộ. Phải cho cá ăn đủ lượng và đảm bảo đủ chất; định kỳ bổ sung Vitamin C để tăng sức đề kháng cho cá.

2. Một số bệnh thường gặp và cách trị bệnh

a) Bệnh đốm đỏ

 

– Dấu hiệu bệnh lý: Cá giảm, hoặc bỏ ăn; bơi lờ đờ trên mặt nước, da chuyển màu tối sẫm, thân có các chấm xuất huyết đỏ, rụng vẩy. Nếu bệnh nặng, xuất huyết ở các gốc vây, các tia vây nát, cụt dần. Các điểm xuất huyết viêm tấy, loét, bên trong có nhiều mủ và máu, xung quanh có nấm ký sinh; mang tái nhợt hoặc xuất huyết khi cá chết. Giải phẫu cá thấy toàn bộ hệ cơ, gan, thận, ruột trong cơ thể xuất huyết. Cá bị bệnh sau 3- 5 ngày có thể chết; tỷ lệ chết 60- 80%, hoặc 100%.
– Tác nhân gây bệnh: Tác nhân chính là vi khuẩn Aeromonas hydrophila hình que, hai đầu tròn, không hình thành nha bào.
– Phân bố và lây lan bệnh: Bệnh thường gặp rất nhiều ở cá trắm cỏ (cả cá giống và cá thịt), xuất hiện chủ yếu vào mùa xuân thu, khi nhiệt độ nước từ 22- 28 độ C.
– Phòng trị bệnh: Cải thiện môi trường ao bằng vôi, liều lượng 2kg/100m2 và bổ sung vitamin C cho cá. Dùng thuốc KN- 04- 12 và vắc xin phòng bệnh Reovirus.

 

b) Bệnh nấm thủy mi
– Dấu hiệu bệnh lý: Trên da xuất hiện các vùng trắng xám; sau vài ngày nấm phát triển thành từng búi trắng như bông, có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
– Tác nhân gây bệnh: Là một số loài của 2 giống Saprolegnia và Achlya.
– Phân bố và lây lan bệnh: Cá thường bị vào mùa xuân thu, thường gặp ở cá Rô phi.
– Phòng trị bệnh: Làm sạch môi trường bằng phương pháp tổng hợp( nêu trong mục: Cải tạo và cải thiện môi trường nuôi). Dùng hóa chất trị nấm phun xuống ao hoặc tắm cho cá để trị diệt mầm bệnh.

 

c) Bệnh trùng mỏ neo

– Dấu hiệu bệnh lý: Cá kém ăn, gầy yếu, đầu to, thân nhỏ, bơi lờ đờ, phản ứng kém, thân viêm loét.
– Tác nhân gây bệnh: Do Trùng mỏ neo Lernaea spp.
– Phân bố và lây lan bệnh: Các loài cá nuôi nước ngọt đều có thể mắc bệnh, chủ yếu là cá mè.
– Phòng trị bệnh: Áp dụng các phương pháp phòng bệnh chung. Khi cá bị bệnh, dùng lá xoan băm nhỏ rắc xuống ao (50kg trong ao 360m2), hoặc dùng Formalin nồng độ 20- 25 ppm (20- 25ml/m3 nước) phun xuống ao.

 

d) Bệnh trùng bánh xe

– Dấu hiệu bệnh lý: Cá ngứa ngáy, bơi lội không định hướng, thân có nhiều nhớt màu trắng đục, mang bạc trắng sưng to.
– Phân bố và lây lan bệnh: Các loài cá nuôi nước ngọt đều có thể mắc bệnh.
– Tác nhân gây bệnh: Do trùng bánh xe Trichodina, Trichodinella, Tripartiella, phát triển ở nhiệt độ nước từ 22- 28 độ C.
– Phòng trị bệnh: Dùng Sun- phát đồng nồng độ 0,5 – 0,7 ppm (0,5- 0,7g/m3 nước), hoặc Formalin nồng độ 20- 25 ppm (20- 25 ml/m3 nước) phun xuống ao.
e) Bệnh trùng quả dưa
– Dấu hiệu bệnh lý: Trên da, vây, mang có nhiều trùng bám thành hạt rất nhỏ màu hơi trắng đục, có thể thấy rõ bằng mắt thường. Cá bị bệnh thường gầy yếu, hoạt động chậm chạp, tách đàn bơi lờ đờ quanh bờ ao.
– Tác nhân gây bệnh: Là do trùng Ichthyophthyrius multifilis có dạng giống quả dưa, thân có nhiều lông tơ nhỏ xếp thành đường viền vân sọc.
– Phân bố và lây lan bệnh: Bệnh phân bổ rất rộng, thường phát mạnh vào mùa xuân thu, nhiệt độ thích hợp từ 25- 26 độ C.
– Phòng trị bệnh: Tắm cho cá bằng Formalin nồng độ 200- 250 ppm (200- 250ml/m3 nước) trong 30- 60 phút, hoặc phun xuống ao với nồng độ 20- 25 ppm (20- 25 ml/m3 nước).

 

g) Bệnh sán lá đơn chủ
– Dấu hiệu bệnh lý: Sán ký sinh ở da, mang, hút máu và niêm dịch của cá khiến cá bị ngạt thở, nổi đầu tập trung ở khu vực nước trong và thoáng; mang cá nhợt nhạt, trắng từng vùng, có nhiều nhớt.
– Tác nhân gây bệnh: Do các loài sán lá 16 móc chủ yếu ký sinh ở mang cá. Ngoài ra còn có loài sán lá 18 móc ở mang và da cá.
– Phân bố và lây lan bệnh: Sán phân bố rất rộng, Ở Việt Nam đã phát hiện hơn 90 loài sán lá đơn chủ ký sinh ở cá nước ngọt, cả cá thịt và cá giống.
– Phòng trị bệnh: Áp dụng biện pháp phòng bệnh chung. Dùng KMnO4 nồng độ 20 ppm (20g/m3 nước) tắm cho cá trong 15- 30 phút hoặc Formalin nồng độ 200- 250 ppm (200- 250 ml/m3 nước) tắm cho cá trong 30- 60 phút, hoặc phun xuống ao với nồng độ 20- 25 ppm (20- 25ml/m3 nước).

 

Chú ý: Khi phun thuốc trị bệnh cho cá, tháo bớt nước trong ao, trị xong bệnh cấp thêm nước mới vào.

V.  THU HOẠCH CÁ VÀ BẢO QUẢN SAU THU HOẠCH

1. Thu tỉa cá lớn

Sau khi nuôi 4- 5 tháng hoặc khi cá được giá, nên đánh bắt những con to đạt tiêu chuẩn cá hàng hóa để bán và thả bù ngay bằng cá giống lớn cho đủ số lượng đã đánh bắt. Đây là cách làm tốt để nâng cao năng suất và hiệu quả, có thể tăng năng suất từ 10- 20% so với thu hoạch 1 lần.

2. Thu toàn bộ cá trong ao

Trước hết, tháo bớt nước còn khoảng 50- 60 cm, thu dọn hết chà, dùng lưới kéo 2- 3 mẻ thu gần hết số cá trong ao, sau đó tháo cạn nước và bắt hết cá. Thường tiến hành thu toàn bộ vào mùa đông khi trời đã lạnh, cá chậm lớn. Sau khi thu hoạch rau vụ đông thì tiếp tục cải tạo ao để nuôi vụ mới.

3. Dụng cụ thu hoạch

Gồm lưới, vợt, thùng nhựa, xô, chậu, giai chứa (cắm ở chỗ nước sạch, mát), hoặc thùng tôn cỡ lớn chứa nước sạch.

Máy hút xả nước hiệu quả :

Đi Với Tôi – Chế Đầu Bò Bơm Nước Xả Đìa – Tập 1

4. Phương tiện vận chuyển cá sống

Dùng thùng tôn có nước sạch đặt trên ô tô và thiết bị sục khí, hoặc thùng gỗ có đá đủ ướp lạnh cá, hoặc túi PE có bơm ô xy để vận chuyển.

Chú ý: Nên thu hoạch vào ngày trời mát, hoặc vào buổi sáng sớm; tránh để cá bị phơi nắng, hoặc có nhiều bùn đất bám vào da và mang (cá sẽ mau chết và chóng ươn). Thu đến đâu phải vận chuyển ngay đến đó.

 

 

>> xem video bắt 🐠 🐟

Đi Với Tôi – Chế Đầu Bò Bơm Nước Xả Đìa – Tập 3 – Tát Ao – Bắt Cá

NĐH (Nguồn: Dự án KHCN Nông nghiệp N0.2283- VIE(SF))
Theo dõi Đi Với Tôi nhé 😜 👇