Gia Lai: Liên kết trồng cà tím rồi… ‘tím mặt’

Xuất bản 01 tháng 08 năm 2020.    1627

 

Nông dân ở Gia Lai thua lỗ nặng khi liên kết với doanh nghiệp trồng cà tím nhưng đơn vị này không làm đúng hợp đồng đã cam kết

Những ngày qua, nhiều nông dân tại huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai phản ánh bị Công ty CP Thủy sản Bạc Liêu (trụ sở tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) nợ tiền nhân công, thu mua giá cà tím sai hợp đồng.

Giữa năm 2019, công ty này về tận huyện Phú Thiện tổ chức hội thảo và mời hàng trăm nông dân tại các xã tham gia. Tại đây, công ty đã vẽ ra nhiều viễn cảnh tươi đẹp, giúp nông dân đổi đời khi liên kết với công ty để trồng cà tím các giống Senryo-02, Senryo-03, BL.

Thấy hấp dẫn, gia đình ông Trần Nguyên Khang (xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện) ký hợp đồng liên kết với công ty từ tháng 8-2019 để trồng 2 ha cà tím. Theo hợp đồng, ông Khang sẽ tham gia bằng diện tích đất trồng, quản lý bảo đảm sản xuất từ các khâu theo hướng dẫn kỹ thuật của công ty.

Ngoài ra, ông phải mua giống cây từ công ty với giá 2.500 đồng/cây; phải bón phân mua của công ty, định kỳ theo quy định. Nếu bị phát hiện sử dụng thuốc bảo vệ thực vật ngoài danh mục, trái không đủ độ ngọt do không sử dụng phân bón thì công ty sẽ không thu mua, đơn phương chấm dứt hợp đồng.

Trong hợp đồng, công ty sẽ đầu tư gieo, ghép và giao cây giống, thu mua sản phẩm; thu mua tất cả nguyên liệu đạt chuẩn với giá giống cà tím Senryo-02 và Senryo-03 là 6.000 đồng/kg và giống BL là 14.000 đồng/kg. Những quả không đạt tiêu chuẩn sẽ mua với giá 1.000 đồng (giống Senryo-02, Senryo-03) và 3.000 đồng (giống BL); cung cấp danh mục thuốc và cử nhân viên hướng dẫn, giám sát.

Nhiều hộ nông dân huyện Phú Thiện đang khốn khổ vì lỡ liên kết trồng cà tím.

“Bên A (công ty) đầu tư chi phí công chăm sóc và phân bón trong suốt thời gian trồng và thu hoạch. Sau khi trừ tất cả chi phí đầu tư, số tiền lợi nhuận sẽ được chia theo tỉ lệ mỗi bên 50%” – hợp đồng ghi rõ.

Theo ông Khang, công ty kêu ông cứ trả tiền cho nhân công và sẽ thanh toán lại sau. Đến nay, tổng cộng ông đã thuê hơn 300 triệu đồng tiền nhân công nhưng công ty mới trả lại 200 triệu đồng, còn lại vẫn nợ.

Bên cạnh đó, giá thu mua cũng không đúng theo hợp đồng khi chỉ từ 2.000-6.000 đồng/kg. “Chúng tôi cứ hái cà, công ty cho người vào cân rồi chở đi. Đến khi báo giá thì rất ít cà tím có giá 6.000 đồng/kg mà đa phần chỉ từ 3.000-4.000 đồng/kg. Thậm chí, nhiều tấn đã giao cho công ty nhưng không trả tiền” – ông Khang bức xúc nói và cho biết khi đến địa điểm đại diện của công ty hỏi lý do thì chỉ được nói do quả không đạt tiêu chuẩn.

Hộ bà Trần Thị Thanh (xã Ya Reng, huyện Phú Thiện) cũng liên kết với công ty trồng 1,1 ha cà tím giống BL. Đến nay, công ty vẫn nợ gia đình bà hơn 50 triệu đồng tiền nhân công. Giá cà cũng không mua đúng cam kết là 14.000 đồng/kg mà chỉ 7.000-8.000 đồng/kg.

Theo bà Thanh, các loại vật tư như phân bón, thuốc trừ sâu lại có giá cao hơn nhiều so với các sản phẩm cùng loại bán trên thị trường. Nếu mua ngoài thị trường bà chỉ tốn khoảng 2 triệu đồng, trong khi mua của công ty tốn 5 triệu đồng mà không hiệu quả, phải mua nhiều lần. Chính vì vậy, dù bà đã bán lượng lớn sản phẩm cho công ty nhưng vẫn chưa đủ tiền mua giống, thuốc trừ sâu và phân bón.

“Trước đây, tôi trồng lúa mỗi năm cũng thu hoạch được khoảng 100 triệu đồng. Nghe công ty nói trồng cà năng suất cao, thu nhập mỗi năm phải 400-500 triệu đồng nên tôi bỏ lúa trồng cà. Ai ngờ giờ không đủ tiền công mà còn lỗ nặng” – bà Thanh than thở.

Trên địa bàn huyện Phú Thiện còn rất nhiều hộ dân khác phải ngậm đắng khi liên kết với công ty để trồng cà tím. Chúng tôi đã nhiều lần đến địa điểm liên lạc của công ty tại xã Ia Ke, huyện Phú Thiện để nắm thông tin về vụ việc nhưng được một phụ nữ ở đây cho biết quản lý đi vắng, gọi điện thoại thì không phản hồi.

 

Cũng thời điểm này, một số bà con tại Phúc Thọ – Lâm Hà – Lâm Đồng cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi liên kết với công ty trồng cà tím nhật. Mô hình sản xuất tương tự, lúc thu hoạch nông dân bị trừ 30% sản lượng và giá cả chỉ còn 1/2 giá hợp đồng miệng ban đầu và còn “chậm tiền“.

=> Bà con nông dân ở các địa phương khác nên cẩn trọng với mô hình liên kết sản xuất này.

 

Nguồn Người Lao Động : http://nld.com.vn/thoi-su/lien-ket-trong-ca-tim-roi-tim-mat-20200728223438059.htm